Sinh viên Cao Thắng học như thế nào?

 

Thay đổi cách suy nghĩ _Chủ động giải quyết vấn đề.

Nếu nhiệm vụ của bạn chỉ là lên lớp đều đặn, tập trung lắng nghe giảng bài, tiếp thu kiến thức. Bạn được thầy cô chuẩn bị sẵn mọi việc và bạn mặc nhiên xem như những điều được dạy là chuẩn mực nhất, chỉ việc làm theo, không cần suy nghĩ nhiều. Thực hiện đúng những điều đó, bạn có thể hoàn thành bài tập và dễ dàng vượt qua các kỳ thi. Tuy nhiên, đó là cách học thụ động, làm giảm đi sự tự tin, tính sáng tạo của người học. Phương pháp học đó chỉ hiệu quả khi đang học ở trường phổ thông nhưng hoàn toàn không phù hợp khi học ở bậc cao đẳng, đại học đặc biệt là học tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Tại sao?

Khi học ở bậc cao hơn, kiến thức và kỹ năng được dạy sẽ phục vụ cho công việc của bạn sau này. Đòi hỏi đầu ra của bài học cũng khác:  người học không chỉ biết, hiểu một vấn đề mà còn phải vận dụng nó vào thực tế một cách hiệu quả.

Trong học tập, có nhiều phong cách khác nhau như:

• Học thông qua quan sát.

• Học thông qua lắng nghe.

• Học thông qua vận động – nghe - ghi chép.

• Học qua thực hành, thực tế.

• Học qua suy luận.

• Học qua chia sẻ theo nhóm

• Tự học

Bạn phù hợp cách học nào?

Hay đối với bạn cách học hiệu quả là sự tổng hợp những phương pháp trên?

Các bạn lưu ý rằng học kỹ thuật là học cách đánh giá và giải quyết vấn đề một cách chủ động. Đối với sinh viên ngành kỹ thuật, hiểu bản thân để xác định phương pháp học tập phù hợp rất quan trọng và hữu ích. Đặc biệt điều này giúp bạn nhận ra khi nào phương pháp sư phạm của thầy cô không phù hợp với phong cách học của mình. Từ đó, bạn tìm cách hiệu chỉnh để việc học tập có kết quả tốt nhất. Ví dụ, giảng viên có cách giảng sử dụng nhiều thuật ngữ, công thức mà bỏ qua việc khai thác các phương tiện trực quan như hình ảnh, biểu đồ, lưu đồ…Điều này, gây khó khăn cho những người học bằng phương pháp quan sát trực quan. Hoặc có những thầy thiên về lý thuyết phức tạp nhưng lại nói rất ít về ví dụ thực tế, hay kinh nghiệm xử lý ngoài đời thực. Nếu sinh viên thích học qua vận động, thực hành, tương tác xúc giác sẽ dễ dàng cảm thấy nhàm chán.

Như vậy, từ một học sinh phổ thông, trở thành sinh viên ngành kỹ thuật, bạn phải:

- Thay đổi quan niệm về học, cách học: Học để giải quyết vấn đề.

- Chủ động trong học tập: Tìm kiếm chứ không chờ đợi.

- Đánh giá bản thân để có phương pháp học tập phù hợp: Tiết kiệm thời gian và công sức.  

 

Tìm sự giúp đỡ từ thầy, cô

Trái với suy nghĩ của nhiều bạn sinh viên: “Thầy cô lên lớp để dạy cho nhiều người, không có thời gian đâu mà giải đáp thắc mắc của mình”. Đừng lo lắng về điều đó, thầy cô ngoài công việc cung cấp kiến thức còn giúp cho bạn thẩm thấu những điều họ truyền đạt và họ luôn mong muốn bạn thành công. Nếu bạn hỏi những điều xác đáng thì thầy cô rất sẵn lòng giảng lại cho bạn. Câu hỏi hay luôn được đánh giá cao.

 

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy/cô

Vậy làm sao để hỏi?

Trước tiên, bạn phải gạt bỏ sự rụt rè, thiếu tự tin khi đứng trước thầy cô. Phải bình tĩnh để diễn đạt rõ ràng, chính xác điều mình thắc mắc.

Thứ hai, câu hỏi phải thể hiện bạn đã bỏ công sức suy nghĩ tìm kiếm câu trả lời mà chưa có. Câu hỏi quá đơn giản hay quá phức tạp chỉ gây mất thời gian. Nên đặt những câu hỏi giúp sáng tỏ vấn đề (clarifying questions) không chỉ hỏi cho bạn mà hỏi cho cả lớp. 

Thứ ba là cách hỏi. Khi hỏi bài phải thể hiện sự cầu thị và phải sẵn sàng các kiến thức liên quan để tiếp thu câu trả lời tốt nhất. Ví dụ như chưa hiểu về một vấn đề, bạn có thể hỏi:

-Thưa thầy, linh kiện này hay gặp ở máy nào? Công dụng nó là gì?

-Thầy chỉ giúp em với các bạn cách áp dụng bài toán này vào thực tế, cảm ơn thầy.

-Thầy vui lòng mô tả sơ bộ linh kiện này ngoài thực tế và ứng dụng của nó để chúng em dễ hình dung, cảm ơn thầy.

Khi hỏi vấn đề lớn, liên quan nhiều vấn đề cần sự chuẩn bị thì nên gởi câu hỏi qua email trước. Nên nhớ rằng các câu trả lời hay chỉ là những gợi ý, những chương sách tựa sách, các bạn cần bỏ công sức để chuyển tải kiến thức đó thành của mình.   

Quan điểm xử lý vấn đề: Chỉ có “Khả thi hay Không khả thi”.

Trên thực tế, khoa học liên tục phát triển, mọi thứ nhanh hay chậm đều sẽ lỗi thời, kiến thức cũng vậy. Không có thầy cô nào có khả năng cung cấp đầy đủ tất cả thông tin về lĩnh vực bạn đang học. Tích cực tìm kiếm thông tin, đưa ra kết luận và phương án giải quyết vấn đề. Các giải pháp chỉ được đánh giá khả thi hay không khả thi (acceptable or unacceptable). Lưu ý là những giải pháp có lỗi nghiệm trọng, không khả thi, không hiệu quả sẽ không được chấp nhận. Ví dụ như bạn thiết kế 10 bộ biến đổi điện để cấp nguồn cho động cơ. Với 9 bộ hoạt động tốt và một bộ bị lỗi, bạn chẳng thể nhận được 90% số điểm ứng với 9 mạch điện hoạt động hoàn hảo kia. Kết quả có thể là rất thấp, vì một bộ không hoạt động có thể dẫn đến máy không làm việc và một loạt hậu quả khác. Học tập và làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, để vươn lên hàng đầu, bạn cần phải thay đổi cách nghĩ, cách tư duy. Đứng trước một thách thức, bạn phải học cách xác định chính xác những gì bạn cần để giải quyết vấn đề và tiếp theo là xác định nơi nào có những điều bạn cần và làm sao để tiếp cận nó.  

Đọc tài liệu – Giáo trình cẩn thận

Đối với nhiều sinh viên kỹ thuật, đọc giáo trình chỉ là tìm kiếm các ví dụ, câu trả lời cho bài tập. Do chỉ tập trung tìm kiếm thông tin đặc biệt, có thể bạn bỏ qua nhiều thông tin hữu ích khác mà tác giả muốn chuyển tải đến người học. Nhiều quyển sách kỹ thuật trình bày những vấn đề lý thuyết quan trọng, những ví dụ hay, có áp dụng lý thuyết vào thực tế. Nếu chỉ sử dụng tài liệu, giáo trình vào mục đích giải quyết các bài tập, bạn đã bỏ qua những kiến thức rất giá trị giúp bạn trưởng thành và phát triển nghề nghiệp sau này. 

Học tập- Làm việc theo nhóm

Trước tiên, học tập theo nhóm có ích cho tất cả các thành viên. Đối với sinh viên kỹ thuật, làm việc nhóm đặc biệt quan trọng. Những lợi ích có thể thấy như:

Chia sẻ khó khăn khi bắt đầu: Do phải đối mặt với những thay đổi trong môi trường học tập, nhiều sinh viên rất khó khăn để hòa nhập, bắt nhịp, đôi khi muốn buông xuôi, bỏ ngang việc học. Khi là thành viên trong nhóm, nhiều người sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết, từ những bài tập khó, những thông tin khó tìm, những kỹ năng khó thực hiện…những việc mà tự thân một người rất khó thực hiện.

Chia sẻ cái mới. Sau khi đã thành nhóm học tập, mọi người có thể chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau. Những sáng tạo được phản biện bởi những thành viên khác. Mặc dù bạn giải quyết tốt một vấn đề nào đó nhưng có thể một thành viên khác có phương pháp khác tối ưu hơn.

Tham gia các câu lạc bộ

Tạo ra môi trường sáng tạo: Khi các thành viên hướng dẫn cho nhau, trao đổi, tranh luận thì kiến thức đã được nhắc lại, ghi nhớ sâu và lâu, đồng thời qua đó có những gợi mở để giải quyết vấn đề chung. Các thành viên phải cung cấp các công cụ, các dẫn chứng, lập luận để thuyết phục đối phương khi tranh luận và lưu ý rằng dạy lại vấn đề là một cách tốt để học nó. Phương pháp Feynman có thể kết hợp trong học nhóm rất tốt.

Khuyến khích sự hợp tác trong học tập và nghiên cứu: Đối với các đề tài phức tạp, sự hợp tác giữa các sinh viên đa ngành cho các kết quả rất tốt. Sản phẩm tiệm cận với thực tế ở nhiều góc độ. Nhóm có các thành viên có sở trường khác nhau thì dễ dàng thích nghi và giải quyết vấn đề thấu đáo hơn.

Tham gia các cuộc thi học thuật

 

Khi học nhóm, để đạt hiệu quả nhất, một nhóm sinh viên ngành kỹ thuật nên thỏa một số tiêu chí sau:

          - Nhóm chỉ nên có 3 đến 5 thành viên. Số lượng này dễ phân công công việc, dễ giám sát qua lại cũng như hỗ trợ. Các thành viên hiểu được công việc của những người còn lại.

          - Mỗi thành viên phải tự nỗ lực làm việc của mình trước, sau đó hoặc hỗ trợ người khác hoặc nhờ người khác hỗ trợ.

          - Mọi thành viên phải hiểu tất cả các hiệu chỉnh, các giải pháp và tiến độ đặt ra. Trong khi triển khai, nếu một người có sáng kiến mới thì phải trao đổi với tất cả, tránh sự mất đồng bộ giữa các nhóm công việc.

Tóm lại, Biết cách học, biết khắc phục khó khăn, hiểu bản thân, tự tin đeo đuổi đam mê thì chắc chắn các bạn sẽ thành công. Hy vọng chia sẻ trên sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên đặc biệt là sinh viên mới, những người vừa rời khỏi ghế nhà trường phổ thông. Chúc các bạn học tốt và thành công.