Những “bóng hồng” mê nghề của “phái mạnh”

Trần Mỹ Phương (SN 2004), sinh viên ngành Điện tử truyền thông, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1, TP HCM) tự nhận mình khá "đàn ông". Anh trai Phương cũng là sinh viên học kỹ thuật, nhìn anh trai nghiên cứu những mạch điện, Phương cũng ấp ủ ước mơ cho riêng mình.

Thấy mình đàn ông hơn!

"Không phải chỉ có nam mới học được những ngành kỹ thuật, các bạn nữ cũng có nhiều ưu điểm để phát huy. Khả năng sáng tạo và sự tỉ mỉ chính là thế mạnh của phái yếu" – Phương chia sẻ.

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 1.

Mỹ Phương nghiên cứu vẽ sơ đồ mạng trong giờ thực hành trên máy tính

Bắt đầu từ năm nhất, Phương đã có cơ hội tiếp xúc với thực hành. Các mạch điện, máy hàn, máy cắt,… là những dụng cụ không thể thiếu, lúc nào người cũng ướt đẫm mồ hôi. Phương kể từng có lần bị bỏng vì chưa quen dùng máy hàn. "Lúc đầu em hơi hoảng vì sợ sẽ để lại sẹo nhưng sau này thì quen rồi, da tay cũng dày hơn trước" – bóng hồng tâm sự.

Là con gái, ai cũng mong muốn mình được xinh đẹp, nhưng khi đã đam mê theo đuổi kỹ thuật phải chấp những những thiệt thòi. Phương tâm sự cả khóa chỉ có 4 sinh viên nữ. Những chuyện làm đẹp, mua sắm cũng ít, đa số các bạn đều tập trung cho việc học.

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 2.

Huỳnh Ân và Mỹ Phương thường lập thành nhóm thực hành cùng nhau

Ngoài thời gian đến trường, Phương còn đam mê chụp ảnh, sinh hoạt các CLB của trường. Phương cho biết việc học các ngành liên quan đến kỹ thuật rất khô khan, cần có những hoạt động giải trí để bản thân cân bằng được cuộc sống nhiều hơn.

Phụ huynh đến trường "nằm vùng"

Cùng học ngành Điện tử truyền thông, em Nguyễn Thị Thu Dung phát hiện mình "nghiện" nghiên cứu mạch điện từ khi học THPT. "Những giờ học nghề em đều làm mạch rất nhanh, thậm chí còn đạt điểm cao hơn các bạn nam"- Dung hào hứng chia sẻ.

Dung là một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, làn da trắng hồng, ấy vậy mà bên trong lại là một người rất cá tính. Dung tâm sự gia đình luôn muốn con gái học ngành giáo viên hay kế toán. Sợ gia đình không đồng ý ước mơ trở thành kỹ thuật viên điện, Dung quyết định đánh liều.

Dung âm thầm nộp hồ sơ mà không nói gia đình biết, sau khi có kết quả trúng tuyển và hoàn thất việc nhập học, Dung mới thông báo cho mọi người.

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 4.

Sau 1 năm theo học, Dung bắt đầu "lên tay", tốc độ làm mạch điện nhanh hơn

Ngay lập tức, mẹ của Dung đón xe từ Long An đến TP HCM để vào trường xem con gái học tập và sinh hoạt như thế nào. Rất may, mẹ đã gật đầu sau vài ngày "nằm vùng" ở trường cùng con.

Vừa cười, nữ sinh sinh năm 2004 vừa kể về những lần gặp sự cố khi đang thực hành. "Em làm nổ mạch điện khiến CP tổng tắt hoàn toàn, thầy giáo và các bạn nam phải đến "giải vây" cho em. Em thắc mắc không hiểu vì sao xảy ra sự cố dù em đã làm giống sách hướng dẫn" – Dung nhớ lại

Không chỉ học tập ở trường, những ngày cuối tuần Dung còn tham gia các buổi tọa đàm, các lớp học miễn phí của trường bạn để bổ sung thêm kiến thức cho mình. Ước mơ lớn nhất của Dung chính là được thực tập và làm việc tại Intel Việt Nam

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 5.

Những "bóng hồng" của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

Cơ hội ngành nghề cho nữ sinh kỹ thuật

Tại phòng thực tập lạnh công nghiệp, Hà Phương đang thực hành tháo lắp máy nén piston 2 cấp. Đôi bàn tay Phương lấm lem dầu nhớt còn ánh mắt thì say sưa lắng nghe thầy giáo hướng dẫn.

Hà Phương đã học Công nghệ nhiệt lạnh được 2 năm và đây là khoảng thời gian Phương thực hành nhiều nhất. "Học kỹ thuật đã khó, học Công nghệ nhiệt lạnh còn khó hơn vì đa số máy móc đều rất to. Em luôn phải nhờ các bạn nam cùng lớp hỗ trợ giúp"- Hà Phương chia sẻ

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 6.

Hà Phương trong giờ thực hành

Dù lấm lem dầu nhớt cả ngày nhưng Phương cảm thấy rất vui vì được theo đuổi đam mê của mình. Không cần phân biệt nam hay nữ, quan trọng nhất với Phương chính là kết quả của việc học tập.

Vừa nhìn Phương thực hành, thầy Nguyễn Phúc Nguyên, giảng viên khoa Công nghệ nhiệt lạnh tấm tắc khen. "Cả khoa có khoảng 2.000 sinh viên nhưng chỉ có 2 "bóng hồng" theo đuổi ngành này. Phương có thành tích học rất tốt. Đam mê học hỏi, siêng năng là ưu điểm mà nhiều bạn nam cùng lớp Phương không có được"- thầy Nguyên chia sẻ

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 7.

Không thua kém các bạn nam, Hà Phương luôn đạt kết quả học tập tốt

Trường có 18 ngành, nghề liên quan đến kỹ thuật. Để thu hút sinh viên, trường hỗ trợ giảm 50% học phí cho các nữ sinh trúng tuyển. "Tùy theo số lượng nữ sinh trúng tuyển và ngành học đặc biệt mà trường có những chính sách hỗ trợ phù hợp, thậm chí có thể giảm 70% học phí" – Ông Trần Việt Dũng- Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết

Nữ giới theo học những ngành kỹ thuật chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam. Vì thế trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa. Theo ông Dũng, môi trường học tập liên quan các ngành kỹ thuật khá cứng nhắc. Tuy nữ sinh không có sức khỏe như nam sinh nhưng lại có sự khéo léo và tỉ mỉ, đây là điều rất cần thiết trong các ngành kỹ thuật để khiến mọi thử trở nêm mềm mại, cân bằng hơn.

Những “bóng hồng” mê nghề của phái mạnh - Ảnh 8.

Nữ sinh học kỹ thuật được hỗ trợ giảm 50% học phí

"Không chỉ có nhà trường đưa những chính sách thu hút nữ sinh, các nhà tuyển dụng cũng dành ưu ái với nữ kỹ thuật" – ông Dũng cho hay

Tùy thuộc vào năng lực, sinh viên mới ra trường sẽ có mức lương dao động từ 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khả năng giao tiếp bằng tiếng anh chính là điểm cộng để các nhà tuyển dụng lựa chọn tăng lương.

Huế Xuân

(Theo nld.com.vn)