Chàng trai đam mê nghiên cứu và chế tạo robot được tuyển dụng ngay từ năm 3

     Trong quá trình học tập tại trường, Văn Đức giành thời gian nghiên cứu và chế tạo ra những sản phẩm tự động hóa để rèn luyện tay nghề. Đến nay, dù chưa tốt nghiệp, chàng trai này đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc.

Nguyễn Văn Đức yêu ngành mình học và không ngừng tìm tòi sáng tạo (Ảnh CÔNG MINH)

Học nghề để theo đuổi đam mê

     Nguyễn Văn Đức (21 tuổi) quyết định học ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng để theo đuổi sở thích từ nhỏ của mình. Đức kể lại, ngay từ năm lớp 4, mỗi lần đi học về nhìn thấy những chiếc xe máy được lắp đèn trang trí đẹp mắt khiến cậu rất tò mò. Thấy chiếc đèn pin trong nhà bị hư, Đức tháo ra xem bên trong có gì mà lại có thể làm đèn sáng, rồi cậu mày mò nối thử dây trong đèn pin. Niềm yêu thích cứ lớn dần lên. Xem các chương trình về robot, về cuộc thi Robocon trên tivi, Đức bị cuốn hút. "Em muốn sau này mình sẽ chế tạo ra những sản phẩm như thế, nên lên mạng tìm hiểu xem các ngành học nào có thể giúp mình thực hiện ước mơ. Và em quyết định chọn ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa", Đức cho biết.

Nguyễn Văn Đức bên sản phẩm mình chế tạo (Ảnh CÔNG MINH)

     Khi trở thành tân sinh viên, ngay trong buổi sinh hoạt đầu tiên tại trường, Đức được tiếp xúc với các anh chị sinh viên năm 2, năm 3, nghe giới thiệu về nội dung ngành học, công việc trong tương lai..., Đức cảm thấy mọi thứ vô cùng hấp dẫn. Đến khi vào học rồi, Đức càng cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Đức tham gia câu lạc bộ Thực hành điều khiển của trường, tìm tòi học hỏi thêm về điện tử, thiết kế mạch, lập trình...

     "Mỗi ngày sau khi kết thúc buổi học trên lớp, em lại xuống câu lạc bộ Thực hành điều khiển để nghiên cứu những gì mình thích. Em chế tạo xe tự động như xe tránh vật cản sử dụng cảm biến siêu âm, xe dò line... Những sản phẩm này em đều dùng để tham gia các cuộc thi của trường như Robotic (giải nhì), Robot đại chiến, đua xe năng lượng mặt trời". Không chỉ vậy, Đức còn tự làm nhiều xe mô hình và robot nhỏ xinh để tặng bạn bè, người thân. Theo Đức, mỗi con robot đơn giản thì mất khoảng 2 tuần hoàn thành, con nào phức tạp thì mất cả tháng. Vì mê quá nên hầu như đêm nào Đức cũng thức tới 1, 2 giờ sáng để nghiên cứu, chế tạo.

Được doanh nghiệp tuyển dụng ngay từ năm 3

     Nhận thấy khả năng nghiên cứu và chế tạo của Văn Đức khá vượt trội, một doanh nghiệp chuyên về nghiên cứu điện tử - tin học và tự động hóa tại TP.HCM sau khi phỏng vấn đã tuyển dụng Đức làm việc, dù cậu đang còn là sinh viên năm 3.

     "Công việc của em ở đây là làm dự án hệ thống pin năng lượng mặt trời, lắp đặt các thiết bị công nghiệp, hoàn toàn đúng với ngành em theo học nên em rất thích thú. Trong quá trình làm việc, em học hỏi được rất nhiều, trải nghiệm những dự án mà không phải sinh viên nào cũng có cơ hội trải nghiệm. Tuy nhiên thời gian này em đang phải tập trung làm đồ án tốt nghiệp nên em xin lãnh đạo doanh nghiệp cho tạm nghỉ để hoàn thành tốt nghiệp, sau đó sẽ tiếp tục vào làm việc chính thức", Đức chia sẻ.

     Đồ án tốt nghiệp mà Đức đang thực hiện được các thầy cô trong trường động viên và đánh giá cao vì sự sáng tạo cũng như mới mẻ của đề tài. Đó là "Mô hình cân bằng camera 2 trục sử dụng giải thuật PID". Khi điện thoại hoặc máy ảnh được gắn vào mô hình này, thì cảm biến trên mô hình sẽ đọc tọa độ góc trong không gian và dữ liệu sẽ được đưa vô giải thuật điều khiển do Đức lập trình. Kết quả là quá trình này sẽ giúp camera luôn cân bằng, không bị rung lắc dù dịch chuyển, giữ độ nét chụp hay quay phim.

     Từ trải nghiệm của bản thân, Đức bày tỏ: "Em thấy việc chọn con đường học nghề hay học ĐH đều phải dựa vào sở thích, đam mê của bản thân trước đã. Nếu chỉ nghĩ đến bằng cấp mà không tìm hiểu xem ngành học đó có phù hợp với mình không, mình có yêu thích và hứng thú với nó hay không, thì rất khó để đi đến đích. Mọi người vẫn nói học phải đi đôi với hành, phải áp dụng kiến thực vào thực tế thì mới giỏi được. Nhiều bạn quá chú tâm vào tấm bằng, không áp dụng thực tế hoặc không thực hành nhiều thì kiến thức bạn có chỉ là lý thuyết. Khi tuyển dụng, các doanh nghiệp luôn đề cao năng lực thực tế hơn là bằng cấp. Yếu tố đi đến thành công là bản thân phải luôn cố gắng, chịu khó tìm tòi học hỏi, đam mê với nghề chứ không phải là bạn có tấm bằng nào trong tay".

Mỹ Quyên (Theo thanhnien.vn)