Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Phục Vụ Ngành Công Nghiệp Bán Dẫn Tại Các Trường Cao Đẳng

     Ngày 16 tháng 8 năm 2024 vừa qua, tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã diễn ra hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Ngành công nghiệp bán dẫn tại các Trường Cao đẳng” với sự đồng chủ trì của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

     Tham dự hội thảo có Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng – Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp; Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên; Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM; Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH TP HCM; và Đại diện Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Công thương;

      Khách mời là các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn như: GS TS Đặng Lương Mô - Giáo sư Danh dự Đại học HOSEI, Tokyo, Nhật Bản,Cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Danh dự Hội Vi mạch Bán dẫn TP HCM;  TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Khoa – Khoa Kỹ thuật máy tính - ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG HCM; Đại diện Công ty TNHH Intel Products Vietnam Ông Quách Vinh phụ trách quan hệ công chúng, Ông Nguyễn Văn Huynh - Trưởng phòng quản lý chương trình kỹ thuật cao cấp, Ông Trần Văn Thái - Đại diện VP. Đại diện Trường ĐH Bang Arizona tại Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Tuấn – GĐ Công ty Cổ phần TUMIKI.

      Tham dự hội nghị còn có các khách mời là thành viên ban cố vấn công nghiệp – là đại diện các doanh nghiệp có sử dụng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện tử và điện tử truyền thông của trường. Cùng các khách mời là hiệu trưởng, hiệu phó, các thầy cô là lãnh đạo các Khoa đến từ 25 các trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước có quan tâm tới công tác đào tạo lĩnh vực bán dẫn và vi mạch;

     Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Đình Kha – Hiệu trường Nhà trường nhấn mạnh: Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường, chúng ta phải trả lời được câu hỏi doanh nghiệp nào đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào, thực hiện công đoạn nào trong quy trình công nghệ bán dẫn.

Hình 1. TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng trường CĐKT Cao Thắng phát biểu khai mạc

     Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp phát biểu chỉ đạo đối với các cơ sở cơ sở Giáo dục nghề nghiệp: Thứ nhất, cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, số hóa trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Kết hợp các hình thức đào tạo, gồm: đào tạo cơ bản dài hạn, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao, đào tạo lại, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp, nơi làm việc. Thứ hai, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo nhân lực ở các ngành nghề, công việc có liên quan phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN ở cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ và đội ngũ giảng viên, chuyên gia. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo để huy động nguồn lực và kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp chuẩn hóa và nâng cao năng lực đào tạo của đơn vị.

Hình 2: Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

      Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở phát biểu: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng, sự tiên phong của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng khi tổ chức Hội thảo có rất nhiều ý nghĩa hôm nay. Thông qua Hội thảo, chúng ta sẽ được tiếp cận nhiều hơn các thông tin về công nghiệp chíp bán dẫn, đặc biệt là xác định vị trí, vai trò của nguồn nhân lực sau tốt nghiệp trình độ cao đẳng trong việc tham gia vào thị trường lao động trong thời gian tới. Để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, đề nghị Quý Thầy Cô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết với các các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo tại nước ngoài để nhanh chóng tiếp cận, xây dựng các chương trình đào tạo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến hiện nay.

Hình 3: Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

      Đến với hội thảo với tham luận về “Giới thiệu về công đoạn sản xuất lắp ráp/ kiểm định (Assembly/ Test Manufacturing) và yêu cầu về nhân lực của Nhà máy Intel Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Huynh- Senior Technical Program Manager- Intel Products Việt Nam chia sẻ về tổng quan về quy trình lắp ráp và thử nghiệm, về sản xuất thông minh sẽ áp dụng tại nhà máy Intel Products Việt nam trong thời gian tới, từ đó nêu bật kiến thức, kỹ năng cần có của sinh viên tốt nghiệp làm việc trong công đoạn ATP. Tại hội nghị, ông Huynh cũng chia sẻ về những cột mốc và phát triển kỹ thuật của một cựu sinh viên tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng hiện đang làm việc tại Intel Việt Nam.

      Dưới góc độ của người sử dụng lao động tại Công Ty Intel Products Vietnam, ông Huynh đánh giá cao vai trò của đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phần thực hành trên mô hình, mô phỏng. Dưới đây là quan điểm của ông về vấn đề này:

- Kiến thức nền tảng kỹ thuật: Đây là yếu tố cốt lõi, quan trọng để người học có thể hiểu và giải quyết các vấn đề kỹ thuật một cách hiệu quả. Kiến thức sâu rộng sẽ là nền tảng vững chắc cho các kỹ sư tương lai.

- Thái độ và tinh thần làm việc chuyên nghiệp: Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn và tiêu chuẩn là điều bắt buộc. Ngoài ra, khả năng cam kết và hoàn thành công việc đúng hạn cũng là những phẩm chất cần được nhấn mạnh trong quá trình đào tạo.

- Sự tự giác trong học tập và cập nhật kiến thức: Trong một ngành nghề luôn thay đổi như công nghiệp bán dẫn, việc tự giác học hỏi và cập nhật kiến thức mới là rất quan trọng. Điều này giúp nhân viên không chỉ theo kịp sự phát triển của công nghệ mà còn đóng góp vào sự đổi mới và phát triển của công ty.

      Về mặt thực hành và thực tập, ông Huynh cho rằng việc sử dụng mô hình và mô phỏng là hữu ích để hướng dẫn các quy định và phương pháp làm việc. Tuy nhiên, không nhất thiết phải luôn cập nhật thiết bị mới nhất cho các mô hình này vì chi phí cao và khó khăn trong việc thực hiện vì số loại máy móc rất lớn, chuyên biệt, và liên tục thay đổi. Thay vào đó, chúng ta có thể tập trung vào việc cung cấp các kỹ năng cơ bản và nâng cao thông qua các phương pháp giảng dạy linh hoạt và hiệu quả."

Hình 4: Nguyễn Văn Huynh- Senior Technical Program Manager- Intel Products Việt Nam

      Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Khoa – Khoa Kỹ thuật máy tính - ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG HCM đưa ra bức tranh toàn cảnh về: thực trạng ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam; Nhu cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam; Thực trạng đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam cũng như nhu cầu về nhân lực làm việc tại công đoạn sản xuất, lắp ráp và kiểm thử.

Hình 5: TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Khoa – Khoa Kỹ thuật máy tính - ĐH Công nghệ Thông tin - ĐHQG HCM

      Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần TUMIKI chia sẻ về “Chương trình đào tạo Bán dẫn - Thuận lợi, khó khăn và thách thức”. Theo ông, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay phù hợp nhất với quy trình đóng gói, kiểm tra trong ngành bán dẫn. Trong phần giới thiệu của mình, ông cũng giới thiệu tổng quan về Chương trình đào tạo bán dẫn; Phần mềm thiết kế IC cho giáo dục - Microwind; Chương trình đào tạo Đóng gói/ Kiểm thử và Sản xuất; Phòng thí nghiệm tiêu biểu về Sản xuất, đóng gói & kiểm thử, phân tích sản phẩm; Phương thức đào tạo và hợp tác.

Hình 6: Ông Nguyễn Quốc Tuấn – GĐ Công ty Cổ phần TUMIKI

      GS. TS. Đặng Lương Mô chia sẻ tại hội thảo: “Khi nói đến nền Công nghiệp Bán dẫn, người ta thường nghĩ tới 4 công đoạn: Thiết kế, Chế tạo, Kiểm thử và Đóng gói. Nhưng điểm thứ nhất tôi muốn đóng góp: Đó chính là với Việt Nam ta, thì ta nên và cấn có thêm công đoạn thứ 5; đúng ra là công đoạn thứ 1. Đó là công nghiệp vật liệu thô, nghĩa là công đoạn trước Chế tạo vừa kể. Chế tạo là nói công đoạn bắt đầu từ gia công những phiến, hay lát silicon, gọi là công đoạn đầu ngọn (front-end process). Đây là bởi vì, Việt Nam ta có nguồn nguyên liệu thô. Đó là đá hoặc cát thạch anh để chế biến thành những thỏi (ingot) silicon, rồi từ những thỏi silicon này mới xẻ ra thành những lát (wafer) silicon đưa vào công đoạn đầu ngọn vừa nói.

      Xét những thành công của những nước gần ta ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…) chúng ta thấy công thức thành công đều là Sự kết hợp của 3 Nhà: Nhà nước, Nhà trường và Nhà sản xuất. Ông cho rằng những lần trước, chúng ta không thành là vì không được sự hợp tác của Nhà Nước. Lần này là do Nhà Nước chủ xướng, nên chúng ta kỳ vọng là LẦN NÀY LÀ THẬT.

Hình 7: GS TS Đặng Lương Mô - Giáo sư Danh dự Đại học HOSEI, Tokyo, Nhật Bản,Cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Danh dự Hội Vi mạch Bán dẫn TP HCM

      Với tham luận “Sáng kiến đào tạo nhân lực ngành bán dẫn ATP tại Việt nam”- ông Trần Văn Thái – đến từ VP đại diện Trường ĐH bang Arizona chia sẻ những cam kết hỗ trợ các trường Đại học và Cao đẳng tại Việt nam trong việc đào tạo giảng viên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Tiếp nối thành công từ các dự án: HEEAP, VULII, BUILD-IT; dự án STIC - Science, Technology, and Innovation Cooperation Program đang được triển khai với mục tiêu là triển khai các hoạt động bổ sung cho kế hoạch hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới (APASTI) giai đoạn 2016-2025. Đặc biệt nguồn học liệu mà dự án STIC mang đến cho công dân các nước ASEAN được sắp xếp nội dung thành 3 chương trình đào tạo do các trường đại học Hoa Kỳ cung cấp thông qua: Chương trình Khoa học và Công nghệ bao gồm 9 học viện kỹ thuật phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên được APASTI xác định trong giai đoạn 2016-2025; Chương trình Khởi nghiệp và Đổi mới đã tuyển chọn nội dung để phát triển các kỹ năng xung quanh ý tưởng, tạo mẫu, kiến ​​thức tài chính và tăng trưởng kinh doanh; Chương trình Chứng chỉ được công nhận trong ngành bao gồm nội dung từ các công ty như IBM, Google, Meta và Microsoft. Chương trình này sẽ cung cấp các khóa học cấp chứng chỉ về các kỹ năng có nhu cầu cao như điện toán đám mây, AI, học máy, an ninh mạng, v.v.

      Đội ngũ giảng viên của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng đã tận dụng thành công nguồn học liệu này. Đặc biệt lĩnh vực Semiconductors Technologies đã có 10 giảng viên được cấp chứng chỉ.

      Trường Đại học Bang Arizona cũng đang triển khai dự án ITSI - International Technology Security and Innovation. Với mong muốn tăng cường năng lực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn tại các quốc gia đối tác ITSI ở Châu Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nội dung chính mà ITSI hướng tới là giúp các trường nâng cao chương trình đào tạo ATP về bán dẫn bằng cách cung cấp cho giảng viên tại các quốc gia đối tác của ITSI , trong đó có Việt nam, một mô hình và hỗ trợ thiết kế để triển khai các chương trình tại các trường đại học và cao đẳng.

 

Hình 8: Ông Trần Văn Thái - Quản lý chương trình công nhận và đảm bảo chất lượng – Trường ĐH bang Arizona

      Với hơn 130 đại biểu tham dự, là các khách mời, các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp đang có nhu cầu về nguồn nhân lực ngành bán dẫn cùng 27 trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước. Hội thảo được đánh giá là rất thành công mang đến sự hỗ trợ cho Trường Cao đẳng của Việt nam cơ hội và sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia đào tạo trong lĩnh vực nhiều tiềm năng lẫn thách thức này. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và các trường Cao đẳng có đào tạo lĩnh vực kỹ thuật nhận thấy trách nhiệm tham gia đào tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam.

Hình 9: Đại diện các trường chụp hình lưu niệm

By: TB