HỘI THẢO “ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045 - VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG; ỨNG DỤNG AI TRONG QUẢN LÝ, GIẢNG DẠY & HỌC TẬP”
HỘI THẢO
“ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045 - VAI TRÒ CỦA HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG; ỨNG DỤNG AI[1] TRONG QUẢN LÝ, GIẢNG DẠY & HỌC TẬP”
Vào sáng ngày 05/10/2024, trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (CĐKT Cao Thắng) đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - Vai trò của hợp tác quốc tế trong định hướng phát triển nhà trường; ứng dụng AI trong quản lý, giảng dạy & học tập”. Tại sự kiện này, nhà trường đã vinh dự được đón tiếp TS. Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế – Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Phương - Chuyên gia tư vấn giải pháp, Hewlett Packard Enterprise Vietnam, bà Nguyễn Thị Cẩm Thơ – chuyên viên Vụ Tổ chức Cán Bộ - Bộ Công Thương. Các khách mời tại hội thảo đã chia sẻ những thông tin thiết thực và bổ ích cho sự phát triển hoạt động hội nhập hợp tác quốc tế cũng như việc ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động giảng dạy và quản lý của nhà trường. Tham gia vào buổi hội thảo có rất đông các cán bộ quản lý, các giảng viên và viên chức của nhà trường.
Mở đầu cho buổi hội thảo, TS. Lê Đình Kha – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã có đôi lời phát biểu mở đầu. Thầy đã nhấn mạnh việc xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế và định hướng sử dụng AI trong giảng dạy và quản lý tại trường trong giai đoạn hiện nay cho đến những năm tiếp theo là rất cấp thiết. Do đó từng cán bộ quản lý chủ chốt của nhà trường cũng như từng giảng viên và viên chức của trường cần nắm bắt được các thông tin về tình hình hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công thương nói riêng; cần hiểu rõ hơn về vai trò của các công cụ AI trong giảng dạy, từ đó phát triển được các phương pháp giảng dạy thông minh, phù hợp với thời đại và đạt hiệu quả cao.
Hình 1. TS. Lê Đình Kha – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng
Báo cáo về kết quả của công tác hợp tác quốc tế, tính đến thời điểm hiện tại, trường đã thực hiện rất nhiều các hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, trong đó phải kể đến việc hợp tác với Hoa Kỳ thông qua các dự án như HEEAP[2], VULII[3], BUILD-IT[4], ITSI[5]; các chương trình hợp tác với Nhật Bản thông qua chương trình KOSEN mà tiền thân là dự án JICA. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, trường CĐKT Cao Thắng cũng có thực hiện hợp tác với Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… Ngoài ra, việc thực hiện các dự án như Văn phòng xanh, hoặc tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp cũng đã góp phần giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy.
Các hoạt động hợp tác quốc tế được ghi nhận bằng các kết quả đáng kể như: đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá; chương trình đào tạo bám sát với thực tiễn thông qua việc tham vấn ý kiến của Ban Cố vấn Công nghiệp cho các chương trình đào tạo, rất nhiều các sân chơi học thuật được tổ chức, các câu lạc bộ dành cho sinh viên được thành lập; hoạt động 5S[6] trong trường được thực hiện bài bản, qua đó nâng cao tác phong công nghiệp của sinh viên – được doanh nghiệp đánh giá cao; bốn chương trình được tổ chức ABET[7] – Hoa Kỳ công nhận, một chương trình được công nhận bởi tổ chức KOSEN – Nhật Bản.
Mặc dù vậy, trường cũng vấp phải những khó khăn và thách thức trong việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế như yêu cầu ngôn ngữ của các nước sở tại, cơ sở hạ tầng của nhà trường trong đó đặc biệt là ký túc xá dành cho sinh viên; mối quan hệ với các doanh nghiệp FDI chưa thật sự sâu sắc; và số lượng các dự án hợp tác quốc tế dành cho các trường Cao đẳng vẫn còn khá ít.
Thông qua hội thảo, một số kiến nghị đối với cơ quan chủ quản đó là việc: (1) Hỗ trợ trường đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, đặc biệt là các dự án hợp tác “train the trainer” với các doanh nghiệp FDI. (2) Hỗ trợ trường trong việc tham gia các diễn đàn, hiệp hội khu vực và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực. (3) Hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Hình 2.TS. Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế – Bộ Công Thương tại Hội thảo
TS. Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế – Bộ Công Thương chia sẻ về các thông tin xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và các yêu cầu về nhân lực ngành công thương.
TS. Trịnh Minh Anh đánh giá rất cao kết quả hoạt động giảng dạy của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong thời gian qua. Đặc biệt là hoạt động hợp tác quốc tế của trường dù mới triển khai trong hơn 10 năm trở lại đây song đã có tới 5 chương trình đã được các tổ chức quốc tế công nhận, trong đó có 4 chương trình được công nhận bởi ABET - Hoa Kỳ và 1 chương trình được công nhận bởi tổ chức KOSEN – Nhật bản, từ đó đã tạo được rất nhiều cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên, nâng cao nghiệp vụ giảng dạy và kỹ năng cho giảng viên. Đây là những thành tựu rất đáng ghi nhận và là điển hình tốt trong việc hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực cho ngành Công thương.
TS. Trịnh Minh Anh nhấn mạnh “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng phản ánh sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại nói riêng.” Theo ông, đối với ngành Công thương, với vị trí là ngành công nghiệp chủ chốt, đi đầu trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vĩ mô, thì việc phát triển nguồn nhân lực là điều cần phải được ưu tiên và quan tâm hơn hết. Để làm rõ ý kiến đó, ông đã chỉ ra một số các hoạt động, chính sách của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trong đó nổi bật là việc hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực.
TS. Trịnh Minh Anh đưa ra một số vấn đề góp ý trường trong công tác hợp tác quốc tế để phát triển nguồn nhân lực như sau:
Một là: Tăng cường quan hệ liên thông chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo của Việt Nam và quốc tế; thực hiện công nhận lẫn nhau chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam và của thế giới; thỏa thuận về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo giữa Việt Nam với các nước. Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam.
Hai là: Tham gia kiểm định quốc tế chương trình đào tạo. Thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, liên kết, trao đổi về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, sau đại học và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học Việt Nam và thế giới.
Ba là: Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học Việt Nam.
Bốn là: Chủ động xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình theo hướng nhu cầu của thị trường, thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học công nghệ để đổi mới, phát triển chương trình đào tạo nhằm khẳng định chất lượng của cơ sở đào tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để tạo điều kiện triển khai các dự án hợp tác quốc tế.
Năm là: Nghiên cứu những ngành nghề mới, những yêu cầu của thị trường để xây dựng định hướng giảng dạy, đào tạo và liên kết với đối tác nước ngoài.
Sáu là: Bên cạnh đối tác quen thuộc của thị trường lao động Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc, cần không ngừng kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nhiều tổ chức uy tín đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, New Zealand, Canada…./.
Trao đổi về chủ đề “Xây dựng hạ tầng Công nghệ thông tin tối ưu, bền vững định hướng dịch vụ AI” Ông Nguyễn Văn Phương Chuyên gia tư vấn giải pháp, Hewlett Packard Enterprise Vietnam đã cung cấp các thông tin về những giải pháp, công cụ được tăng cường bởi AI mà có thể mang lại lợi ích cho việc giảng dạy tại các trường Cao đẳng, Đại học và cao đẳng; xu hướng phát triển hoạt động sử dụng AI cho việc giảng dạy trong những năm tiếp theo.
Hình 3: Ông Nguyễn Văn Phương - Chuyên gia tư vấn giải pháp, Hewlett Packard Enterprise Vietnam tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các giảng viên của trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cũng chia sẻ về những trải nghiệm ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lý tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Các thầy cho biết, trong thời gian qua, bộ phận phần mềm của trường đã sử dụng các kỹ thuật trên dữ liệu lớn (big data) để phân tích dữ liệu học trực tuyến (online) vào thời điểm dịch COVID-19; Phân tích dữ liệu điểm trong 10 năm về chuyên cần; Phân tích dữ liệu tuyển sinh (truyền thông, tư vấn tuyển sinh) giúp giám hiệu đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời.
Hình 4. ThS. Phạm Thành Nhân và ThS. Nguyễn Bá Phúc tại buổi hội thảo
Kết thúc buổi hội thảo, TS. Lê Đình Kha – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu cảm ơn đối với những chia sẻ của các diễn giả, đặc biệt là sáu góp ý của TS. Trịnh Minh Anh trong công tác hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ngành công thương.
Một số hình ảnh của chuyến thăm và làm việc tại trường CĐKT Cao Thắng của TS. Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế – Bộ Công Thương.
Hình 5. TS. Trịnh Minh Anh và TS. Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng
Hình 6. TS. Trịnh Minh Anh và tập thể cán bộ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng
Hình 7. TS. Trịnh Minh Anh tham quan xưởng thực hành CNC
By: HTQT
[1] Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo
[2] HEEAP - Higher Engineering Education Alliance Program - Chương trình Liên minh Giáo dục Kỹ thuật bậc cao.
[3] VULII - Vocational and University Leadership and Innovation Institute - Dự án Hợp tác Giáo dục cho các Trường kỹ thuật
[4] BUILD-IT Building University-Industry Learning and Development Through Innovation and Technology – Dự án Liên minh thúc đẩy hợp tác trường đại học doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ
[5] ITSI Dự án ITSI – International Technology Security & Innovation- Quỹ An ninh và Đổi mới Công nghệ Quốc tế (ITSI)
[6] 5S: Viết tắt từ 5 từ của tiếng Nhật là Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng)
[7] ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology)- Hội đồng kiểm định các chương trình Kỹ thuật và Công nghệ
- Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tuyển thẳng học sinh giỏi lớp 11, 12 - 01/01/2025
- Tuyển sinh 2025: Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng nhận hồ sơ xét tuyển từ hôm nay - 01/01/2025
- Một trường cao đẳng ở TP HCM tuyển sinh chuyên ngành bán dẫn - 01/01/2025
- Hội Nghị Sinh Viên Nghiên Cứu Khoa Học 2024 - 26/12/2024
- 4 chương trình đạt kiểm định chất lượng ABET tại trường CĐKT Cao Thắng - 14/12/2024
- Lễ Tổng Kết Và Trao Bằng Tốt Nghiệp Năm 2024 - 06/10/2024
Các Tin Khác: