Báo cáo kết quả của chương trình HEEAP sáu tháng đầu năm 2015

     Sau đây là tóm tắt các hoạt động và hiệu quả của dự án HEEAP đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong sáu tháng đầu năm 2015 như sau:

 

1. Chương trình phát triển năng lực lãnh đạo - VULII

     Trong khuôn khổ dự án HEEAP và dự án VULII, Hiệu trưởng Nhà trường được tài trợ sang tham dự Chương trình gặp gỡ lãnh đạo năm 2015 diễn ra vào cuối tháng tư vừa qua trong Hội nghị thường niên của Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ.

     Các trưởng phó khoa, bộ môn tham dự hội thảo “Thiết kế quá trình cải thiện liên tục chương trình”. Với sự hướng dẫn của các thành viên dự án VULII, 20 giảng viên thuộc khoa Cơ khí, Điện, Điện tử được tập huấn về xây dựng đánh giá theo chuẩn ABET diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Nhà trường đang xây dựng hai chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn ABET: chương trình Cơ khí chế tạo và chương trình Điện – Điện tử. Hiện tại, hai chương trình đang tiến hành lấy dữ liệu minh chứng cho các chuẩn đầu ra. Dự kiến dự án VULII sẽ hỗ trợ tổ chức giả kiểm định vào tháng 9 tới đây. Quá trình viết báo cáo tự đánh giá, hai ngành thường xuyên nhận được sự hỗ trợ góp ý của các thầy cô VULII thông qua skype.

     Song song với hai chương trình trên, tất cả các chương trình đào tạo trong Nhà trường đều thực hiện xây dựng lại theo chuẩn ABET. Chương trình chi tiết của các môn học đều xây dựng theo phương pháp tiếp cận CDIO.

 

2. Chương trình phát triển năng lực của giảng viên – Hoạt động của các nhóm HEEAP

     Thông qua chương trình HEEAP, trường có 54 giảng viên tham gia tập huấn tại ASU, từ đó thay đổi đáng kể các hoạt động dạy và học tại trường. Các giảng viên hứng thú hơn với các thay đổi về phương pháp giảng dạy.

     Ngày 30 tháng 5 vừa qua, tại hội trường A, các giảng viên đã tham dự tập huấn tại ASU tổ chức hội thảo chia sẻ những thuận lợi/khó khăn và các hoạt động của các nhóm khi thực hiện dự án HEEAP.

Hình 1: Hội thảo chia sẻ những thuận lợi/khó khăn khi thực hiện dự án HEEAP

     Bên cạnh hoạt động giảng dạy, nhóm giảng viên HEEAP rất tích cực xây dựng các phong trào dành cho sinh viên. Phương pháp giảng dạy đã được các giảng viên áp dụng, thay đổi theo hướng tích cực, nhằm trang bị cho sinh viên kỹ năng tư duy, sáng tạo. Bên cạnh hoạt động giảng dạy, nhóm giảng viên HEEAP còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức trò chơi, các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ tiếng anh, giúp sinh viên tự tin hơn trong thời kỳ hội nhập, thời kỳ mà bên cạnh kiến thức, đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng mềm cần thiết khác.

     Cụ thể từ đầu năm đến nay, các nhóm giảng viên HEEAP phối hợp với các Khoa – Bộ môn tổ chức các cuộc thi: cuộc thi FunnyLED, cuộc thi Robot Sumo, cuộc thi Racing with Intel Galileo, cuộc thi Tìm hiểu kiến thức chuyên ngành Điện… Các cuộc thi đem lại sự hứng khởi, niềm đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên. Bên cạnh đó, câu lạc bộ tiếng Anh diễn ra vào chiều thứ 6 hàng tuần, giúp sinh viên có cơ hội trau dồi thêm ngoại ngữ, tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Hình 2: Các sinh viên tại cuộc thi FunnyLED



Hình 3. Cuộc thi Robot Sumo



Hình 4: Các sinh viên tại cuộc thi Racing with Intel Galileo



Hình 5. Một số hình ảnh hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh

 

3. Hoạt động khác

     Hằng năm, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, động viên các giảng viên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng đều tổ chức Hội giảng. Với mong muốn giảng viên không phải là “máy dạy học” và phải chủ động hơn và biết rõ về chương trình đào tạo hơn.

     Dù chưa hoàn toàn hài lòng với tất cả các bài giảng tham gia hội giảng, nhưng nhìn chung, các bài giảng năm nay đã đi vào thực tế hơn, giúp sinh viên học tập tích cực hơn. Các giảng viên tham gia hội giảng đều thể hiện được phong thái, kỹ năng khi tổ chức lớp theo hướng tích cực. Sau mỗi đợt hội giảng, lắng nghe những nhận xét, góp ý từ BGK, chắc chắn không chỉ những giảng viên tham gia giảng mà tất cả các giảng viên thuộc khoa, bộ môn cải thiện về nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Đây cũng là dịp để các giảng viên đã từng tham gia tập huấn tại ASU theo dự án HEEAP thể hiện và lan tỏa phương pháp giảng dạy đã được học của mình cho các giảng viên trong toàn trường.

     Dự án HEEAP đã mang lại cho Nhà trường những ảnh hưởng tích cực rất lớn và giàu ý nghĩa. Dự án giúp thay đổi cách nhìn của lãnh đạo và giảng viên về công tác đảm bảo chất lượng, phương pháp dạy và học, xu hướng phát triển giáo dục đại học của thế giới.