Nợ nhau một chữ nghề

“Gần ba mươi năm đứng trên bục giảng, điều làm tôi hạnh phúc nhất là niềm say mê học và phấn đấu của học sinh học nghề và nhiều người nay là doanh nhân thành đạt, quay trở lại trường cùng giúp sức dạy nghề, tạo điều kiện cho thế hệ học sinh đi sau có điều kiện phát triển nghề nghiệp”. Nhà giáo Ưu tú Vũ Trí Xương, Trưởng Khoa Cơ khí Động lực - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, đã tâm sự như vậy trong buổi giao lưu “Thầy trò thành đạt” do LĐLĐ TPHCM tổ chức sáng 18-11.
 

Thầy Vũ Trí Xương (trái) hướng dẫn sinh viên Khoa Cơ khí Động lực thực hành sửa chữa động cơ ô tô

 
Đóng góp thầm lặng của thầy
 
Trong số các khách mời, 3 thầy trò: Vũ Trí Xương, Hồ Trọng Nghĩa (Tổng Giám đốc Công ty CP Hyundai Trần Hưng Đạo), Nguyễn Hồng Thắng (Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và Đầu tư Ngôi Sao) để lại nhiều xúc cảm cho người dự khán về tình nghĩa thầy trò. Năm 1978, sau khi học xong Trường ĐH Bách khoa TPHCM, thầy Xương về giảng dạy tại Trường Cao Thắng. Sự thành đạt như tên gọi của chương trình giao lưu đối với thầy không phải là danh hiệu, thành tích đã đạt được trong hơn 30 năm giảng dạy mà là những đóng góp thầm lặng, giúp bao thế hệ học sinh khởi nghiệp thành công từ con đường học nghề.
 
Yêu nghề, tận tụy, gần gũi với học sinh là những đức tính cao đẹp ở người thầy này. “Tôi chứng kiến nhiều em học sinh phải bươn chải kiếm sống, xuống Chợ Lớn xin làm công việc nhặt lông vịt, lượm ve chai đến khuya mới về, sáng vào lớp ngủ gật. Thay vì phạt, tôi nói với các em phải biết cái gì là quan trọng, phải sắp xếp thời gian làm thêm và học cho phù hợp...”.  Kể câu chuyện này, thầy Xương cho rằng công việc của người thầy không chỉ là đứng trên bục giảng, đóng khung trong những nội quy mà phải dành  thời gian làm bạn, làm người anh để tìm hiểu hoàn cảnh, ước vọng của học sinh, giúp họ phấn đấu vươn lên. “Có lẽ tôi được học trò quý mến nhờ những điều đơn giản như thế”- thầy tâm sự.
 
Thành công của trò
 
Trong sổ ghi chép của thầy giáo Vũ Trí Xương có rất nhiều học trò cũ nay là doanh nhân thành đạt, như  Nguyễn Quyết Chiến (Giám đốc Xưởng Ô tô Chiến Quốc, đại lý ô tô Mercedes), Lâm Quang Linh (Giám đốc Ô tô Pro Gia Định), Nguyễn Minh Trung (cố vấn kỹ thuật Công ty Toyota Bình Dương, người đoạt giải nhất hội thi tay nghề châu Á năm 2002-2003), Hồ Trọng Nghĩa và Nguyễn Hồng Thắng - hai học trò ruột mà sự thành công của họ đều in đậm dấu ấn của thầy Xương. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí loại giỏi, Hồ Trọng Nghĩa được Trường Cao Thắng giữ lại làm trợ giảng, rồi giáo viên chính thức. Giảng dạy được 10 năm, Nghĩa đến gặp thầy Xương bày tỏ băn khoăn có nên ở lại dạy tiếp hay ra ngoài làm việc. “Em còn trẻ, lại ham học nên nếu có điều kiện thì ra ngoài để mở mang kiến thức, thực hiện những cái lớn hơn”. Nghe lời thầy, Nghĩa xin nghỉ dạy, ra ngoài làm công nhân. Vừa làm vừa học tiếp lấy bằng đại học, sau đó Nghĩa về làm phó phòng rồi trưởng phòng kỹ thuật của Công ty Ô tô Isuzu VN. Không dừng lại ở đó, Nghĩa học tiếp, lấy bằng thạc sĩ và hiện là Tổng Giám đốc Công ty Hyundai Trần Hưng Đạo.
 
Khác với Hồ Trọng Nghĩa đam mê học thuật, Nguyễn Hồng Thắng có chí hướng lập thân cùng đầu óc nhạy bén, ham thích kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, Thắng xin về làm tại Công ty Lidovit. Lúc đó, thầy Xương khuyên: “Em phải tranh thủ nắm bắt công nghệ, nắm vững chuyên môn mới thành công được”. Trong 3 năm làm việc tại Lidovit, Nguyễn Hồng Thắng đã học hỏi được rất nhiều để rồi sau đó, anh tự tin đứng ra thành lập công ty riêng tại KCN Hiệp Phước – TPHCM với 300 công nhân và đang tiếp tục đầu tư mở nhà máy tại Long An. Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ: “Quá trình khởi nghiệp của tôi cũng lắm gian truân, thất bại. Những lúc khó khăn nhất, tôi đến gặp thầy và cứ sau mỗi lần như thế, tôi có thêm niềm tin để đứng lên”.
 
Như một lời tri ân
 
“Nhớ lời thầy dạy và cũng để phần nào đền đáp công ơn thầy cô và nhà trường, tôi thường xuyên về trường để nói chuyện, tư vấn, định hướng, hỗ trợ kiến thức cho các bạn trẻ. Công ty của tôi luôn mở rộng cửa để đón học sinh, sinh viên về thực tập, làm việc”- anh Hồ Trọng Nghĩa bộc bạch. Còn Nguyễn Hồng Thắng thì luôn cố gắng thực hiện lời khuyên của thầy: “Em đi lên từ công nhân, từ học sinh trường nghề nên càng phải quan tâm đến đời sống công nhân, tạo điều kiện cho họ phát triển”. 300 công nhân của công ty hiện nay đều có việc làm, thu nhập ổn định; được đối xử công bằng trong một môi trường thân thiện như lời tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thắng: “Chúng tôi coi nhau như anh em một nhà, giúp nhau cùng đi lên”.
 
Nợ nhau một chữ nghề, ba thầy trò cùng chung ước nguyện vì sự phát triển của sự nghiệp dạy nghề, vì sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Họ tin con đường khởi nghiệp luôn rộng mở đối với các thế hệ trẻ xuất thân từ trường nghề.
 
Những cánh chim đầu đàn
 
Tại buổi giao lưu, ngoài 3 thầy trò: Vũ Trí Xương, Hồ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hồng Thắng còn có thầy giáo – tiến sĩ kinh tế Bùi Thanh Quang (Khoa Lý luận chính trị Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3) và học trò Lê Văn Quang (Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ An Khương); kỹ sư cơ khí, thạc sĩ Nguyễn Quế Anh (Trưởng Khoa Dệt may Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM) với học trò Phạm Xuân Trình (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt Phong Phú, Giám đốc Công ty Gia dụng Phong Phú).
 

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, cho rằng chưa khi nào việc xây dựng và đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao lại mang tính cấp thiết như hiện này. Với hoạt động tôn vinh “Thầy trò thành đạt”, CĐ TP mong muốn được đóng góp một phần cho sự nghiệp đào tạo, sự lớn mạnh toàn diện của đội ngũ giáo viên và nhân rộng những tấm gương sáng để các thế hệ học sinh, sinh viên noi theo.

 

Theo Người Lao Động

Bài và ảnh: Duy Quốc