Kịch tính màn tranh tài xe mô hình của sinh viên

Một xe tham gia cuộc thi - Ảnh: TRỌNG NHÂN

      Sáng 24-5, tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cuộc thi xe mô hình thường niên Mini Car Racing bước vào vòng chung kết, đánh dấu năm thứ 10 sân chơi kỹ thuật này được tổ chức.

      Cuộc thi năm nay thu hút 350 sinh viên thuộc 70 đội đăng ký dự thi, từ 10 trường đại học, cao đẳng như Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Trà Vinh, Trường đại học Văn Lang, Trường cao đẳng Sài Gòn Gia Định...

      Sau 2 vòng kiểm tra kỹ thuật, thi đấu vòng sơ loại, 27 đội xuất sắc lọt vào vòng chung kết.

      Ông Nguyễn Ngọc Thạnh - trưởng khoa cơ khí động lực Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, trưởng ban tổ chức - cho biết đây là cuộc thi kỹ thuật dành cho các mẫu ô tô mô hình do sinh viên tự thiết kế và chế tạo ít nhất 50%, với kích thước không vượt quá 80 x 50 x 50cm, sử dụng động cơ xăng 2 thì (22 - 33cm³).

      Xe được điều khiển từ xa qua điện thoại thông qua kết nối wifi, tích hợp cả yếu tố tự động điều khiển và công nghệ kết nối hiện đại.

      Mỗi lượt thi đấu sẽ bao gồm 3 xe từ 3 đội. Xe hoàn thành 2 vòng đua trước sẽ giành chiến thắng. Nếu cả 3 xe đều không về được đích, xe có quãng đường di chuyển dài hơn sẽ giành chiến thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

      Chủ đề năm nay "E-Power" khuyến khích các đội thi tích hợp công nghệ hybrid (kết hợp động cơ xăng và điện), hướng đến mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

      Vòng chung kết gồm 13 trận đấu loại trực tiếp. Nhiều đội đã trải qua những thử thách cam go để hoàn thành chặng đua như xe mất kết nối wifi, tuột xích, gãy trục, tắt động cơ giữa khúc cua hoặc dốc nghiêng.

      Không ít đội phải khẩn cấp xử lý tình huống trong thời gian ngắn để tiếp tục đường đua hoặc chấp nhận dừng cuộc chơi.

      Bạn Nguyễn Thái Thành Long - sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - chia sẻ đội mình gồm 5 người đã chuẩn bị suốt 3 tháng. 

      "Tụi mình tập trung làm phần cứng thật chắc để khi va chạm không ảnh hưởng tới hệ thống điện. Rất nhiều xe bị hư mạch khi va chạm, dẫn đến mất kết nối hoặc phải sửa chữa rất lâu", Long nói.

      Còn Nguyễn Trạng Nguyên - sinh viên Trường đại học Bình Dương - cho rằng yếu tố kết cấu là mấu chốt. 

      "Có đội chọn kết cấu nhẹ để tăng tốc, có đội ưu tiên khung cứng để tránh hư hỏng. Động cơ các đội gần như giống nhau, nên sự khác biệt nằm ở chi tiết kỹ thuật, kỹ năng lái và sự phối hợp xử lý sự cố giữa các thành viên", Nguyên phân tích.

      Cây cầu là một chướng ngại vật mà các xe phải vượt qua - thử thách cho không ít tay lái. Nhiều xe đã bị loại tại đây - Ảnh: TRỌNG NHÂN

      Mỗi đội có một thành viên điều khiển xe thông qua mạng wifi - Ảnh: TRỌNG NHÂN

      Màn cạnh tranh quyết liệt giữa hai chiếc xe mô hình. Càng vào sâu bán kết, chung kết, cuộc đua càng kịch tính - Ảnh: TRỌNG NHÂN

      Một đội đua từ Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Nhiều bài học từ xe mô hình

      Kết quả chung cuộc, giải vô địch đã thuộc về đội BIG HEAD, Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

      Đánh giá về cuộc thi, ông Trần Thành Đạt - tổng thư ký Hội Ô tô và Thiết bị động lực TP.HCM - nhận định: "Cuộc thi giúp sinh viên học hỏi cả về chuyên môn lẫn kỹ năng làm việc. Đây cũng là cơ hội để phát hiện và bồi dưỡng những tài năng kỹ thuật cho ngành công nghiệp ô tô - một ngành đang rất cần nhân lực chất lượng cao, vừa vững tay nghề, vừa có tư duy đổi mới".

Theo Trọng Nhân (tuoitre.vn)