GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Trái tim của một nhà khoa học
Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân (viết tắt là GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân) đã nhận giải thưởng Vinfuture với công trình “Phát minh và phổ biến giống lúa kháng rầy” vào tháng 12/2023. Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này.
Ông được vinh danh do có những đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng rầy, đồng thời có nhiều công trình giúp nông dân thế giới có những giống lúa tốt, giúp cải tạo đất, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân.
GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại Châu Đốc - An Giang, trong một gia đình có 6 anh chị em, ông là anh cả. Lúc cậu bé Võ Tòng Xuân khoảng 1, 2 tuổi thì cha làm thư ký cho một luật sư tại Châu Đốc, mẹ là đồng nhi trong đạo Cao Đài, bà theo ông bà ngoại ông đi hành đạo tại Tân Châu (An Giang) và sau đó luân chuyển sang các thánh thất khác, hễ mẹ đi đâu thì cả gia đình ông đi theo đó, có thời gian gia đình ông còn chuyển lên tận Tây Ninh, về Sóc Trăng và dừng lại ở Sài Gòn. Vì ba phải theo mẹ đi khắp nơi nên công việc không ổn định, tuổi thơ của cậu bé Võ Tòng Xuân rất vất vả và sống trong cảnh thiếu thốn triền miên.
Giáo sư Võ Tòng Xuân - người Việt đầu tiên được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture (năm 2023).
HỌC TRƯỜNG KỸ THUẬTCAO THẮNG VÀ LỐI RẼ NGOẠN MỤC
GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân kể: “Khi tôi học xong Trung học đệ nhất cấp thì như những thanh niên khác muốn kiếm trường thi cấp 3, rất may tôi đậu vào Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Khi học Cao Thắng là giai đoạn cực nhất vì gia đình nghèo tôi phải đi bán báo kiếm tiền lo cho việc học và phụ ba mẹ nuôi các em. Mỗi ngày tôi phải thức dậy từ 2 giờ 30 phút sáng đến chổ phát hành lãnh báo, lãnh xong đem về nhà để cả gia đình cùng xếp báo lại, sau đó anh em tôi chia báo ra bán cho đến 6 giờ 30 sáng thì về đi học...”.
Những lúc vì quá cực mà chàng thanh thiếu niên Võ Tòng Xuân đã bị lao nặng, phải nằm điều trị tại bệnh viện Đô Thành (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn). Chính vì bệnh nặng, nằm viện nhiều ngày, thiếu bài vở nên kết quả học tập tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng không tốt, ông thi tú tài 2 năm đầu bị rớt, ông phải vừa học vừa đi làm để kiếm tiền đóng học phí và ôn thi để năm sau thi lại. Khoảng thời gian học tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng đã rèn cho Võ Tòng Xuân đức tính kỹ lưỡng, kiên nhẫn, làm việc gì cũng phải chỉnh chu, tác phong nghiêm túc. Ông cũng yêu thích nhất môn Kỹ nghệ họa, và nhờ môn học này mà chàng thanh niên Võ Tòng Xuân ngày ấy đã kiếm được việc làm tại Nha Hàng không dân sự khi đang vẫn ngồi trên ghế nhà trường, một công việc mà nhiều người mơ ước thời đó.
Sau khi học Trường Kỹ thuật Cao Thắng vì nhà nghèo, không thể du học sang các nước Âu Mỹ, (vì học cơ khí thời đó nếu học lên cao là du học sang Âu, Mỹ), Võ Tòng Xuân chọn lối rẽ sang học Trường Đại học Nông nghiệp Philippines, (ông thi đậu được học bổng tại ngôi trường này) ông học ngành Nông hóa, sau đó là học công nghệ làm giấy từ bã mía. Giáo sư Võ Tòng Xuân kể: “Khi hay tin ông đạt học bổng ở Philippines gia đình vừa mừng vửa lo, ba ông phải chạy vạy đi mượn tiền để sắm cho ông bộ vest và một đôi giày cho tươm tất”. Những tháng ngày ở Philippines, chàng thanh niên Võ Tòng Xuân rất vất vả, vừa học vừa làm nghề chụp ảnh dịch vụ để kiếm tiền học và lo cho gia đình nhỏ của mình. Ông biến nhà tắm của gia đình thành phòng tối để tráng rửa phim, in ảnh.
Năm 1968 nhân chuyến gặp các cán bộ, chuyên gia của Bộ Canh Nông Việt Nam sang Philippines công tác, học tập và hiểu tình hình sản xuất lúa gạo tại quê nhà đang khó khăn, cạn kiệt đã thôi thúc Võ Tòng Xuân bắt đầu hành trình làm bạn với cây lúa tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI (đặt tại Philippines).
GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân chụp hình lưu niệm với tập thể sư phạm Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.
NGHIÊN CỨU GIỐNG LÚA KHÁNG RẦY VÀ NHỮNG QUYẾT SÁCH TÁO BẠO
Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân đã trở về Việt Nam và làm việc tại Đại học Cần Thơ, sau đó ông lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975. Là nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế, ông hoàn toàn có thể định cư tại nước ngoài, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng ông nhất định ở lại Việt Nam trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau giải phóng. Trong khi nhiều nhà khoa học khác chọn Đại học Nông Lâm để gắn bó thì ông quyết tâm về “cái rốn của đồng bằng”, bởi nơi đây rất nặng ân tình cùng ông.
Và cũng chính trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau đổ nát của chiến tranh là lúc Giáo sư Võ Tòng Xuân thể hiện cao nhất tâm huyết và trí tuệ của mình trong việc tìm ra giống lúa mới, giống lúa kháng rầy hay chung tay giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng sau chiến tranh và tìm đầu ra cho hạt gạo Việt Nam. Và ông có nhiều đóng góp, cũng như hiến kế cho Quốc hội (trong vai trò là đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ) để đề ra những quyết sách mang tính vĩ mô, định hướng nền nông nghiệp trong giai đoạn đổi mới.
Ông kể: “Năm 1976 một người học trò của tôi báo tin tại Tân Châu - An Giang bị dịch rầy nâu trầm trọng. Lúc đó tôi báo tin cho Viện lúa quốc tế IRRI đề nghị họ gửi những mẫu lúa có thể kháng rầy để tôi nghiên cứu. Từ những mẫu họ gửi tôi, mỗi loại 5 gram gồm: IR34, IR36, IR38 và tôi kết hợp thêm nhiều giống khác lại tạo ra giống kháng rầy IR36. Sau khi thử nghiệm thì tôi thấy giống IR36 rầy không đụng đến. Sau đó tôi tức tốc nghiên cứu kỹ thuật tách mạ, từ 2,3 tép mạ thành 2,3 cây lúa, rồi kỹ thuật cấy 1 tép 1 bụi, sau 2 vụ tôi thu hoạch được 2.000kg lúa. Khi có lúa giống tôi báo Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ đề nghị cho đóng cửa trường 2 tháng để sinh viên đi giúp dân. Ngoài sinh viên Khoa Nông nghiệp là chủ lực thì sinh viên các khoa như: Luật, Văn, Sư phạm…v.v cũng được tôi huấn luyện qua 3 bài giảng gồm: Cách sản xuất cây mạ tốt; Cách soạn đất tốt; Cách cấy 1 tép 1 bụi. Sau khi huấn luyện xong tôi giao cho sinh viên mỗi nhóm 1kg giống đi tủa khắp các tỉnh có rầy nâu để giúp nhân dân. Sau 2 vụ như thế thì cả đồng bằng sạch bóng rầy nâu...”.
GS Võ Tòng Xuân (giữa) trên cánh đồng lúa thử nghiệm.
Nhắc đến GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân là nhắc đến tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới. Đặc biệt những năm đất nước còn nhiều khó khăn ông đưa ra giống lúa như: Thần Nông, IR36, IR33, IR64, MTL30 phổ biến khắp các tỉnh miền Tây. Ông cũng là nhà khoa học có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện lúa ĐBSCL (nay là Trung tâm Nghiên cứu canh tác ĐBSCL), tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng cho thế giới.
CẦU NỐI VỚI CÁC NHÀ KHOA HỌC QUỐC TẾ
Có thể nói GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học mà trái tim mình luôn hướng về đồng ruộng, luôn đập cùng nhịp đập của nông dân. Ông kể, khi còn học tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng và trước khi du học sang Philippines, cứ mỗi lần ôn thi ông hay về Bình Chánh (thuộc Sài Gòn xưa, TP.HCM ngày nay) là quê mẹ để học. Tại đây, ông chứng kiến cảnh làm ruộng vất vả của bà con nông dân, trong đó có bà con bên ngoại, từ đó ông đã có khái niệm làm sao để người nông dân bớt khổ, bớt vất vả. Và đó cũng là một trong những lý do ông chọn cây lúa để gắn bó sau này.
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Watanabe Nobuhiro trao Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ của Chính phủ Nhật Bản cho Giáo sư Võ Tòng Xuân (tháng 4/2022).
Trăn trở cùng nông nghiệp, GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân đã đi khắp nơi, gặp gỡ rất nhiều nông dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm và cả khát vọng cho cây lúa, khát vọng cho đồng bằng cất cánh. Chính vì vậy ông đã có nhiều phải pháp như “rửa phèn” cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên mang lại hiệu quả cao, được nông dân tin tưởng. Từ uy tín của mình ông đã kêu gọi, vận động nhiều nhà khoa học Hà Lan sang Việt Nam với khát vọng ngọt hóa đồng bằng, biến vùng đất nhiễm phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên trở thành vùng sản xuất lúa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Và rồi nhà khoa học ấy còn nghiên cứu, cố vấn để kết hợp nhiều mô hình sản xuất, phù hợp với đặc thù từng tỉnh, từng vùng, từng khu vực, giúp nông dân làm giàu và quyết tâm bám mảnh vườn, mảnh ruộng của quê mình, đặc biệt là góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.
Không chỉ gắn bó với cây lúa mà GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân còn có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng để quy hoạch vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, với nước mặn xâm nhập như: làm đập ngăn mặn, dẫn nước ngọt, giữ nước ngọt… và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp thông qua quy hoạch vùng trồng lúa, trồng cây ăn trái, hoa màu…v.v, có vùng trồng lúa, có vùng kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, có vùng chuyên phát triển cây ăn trái khắp cả nước giúp người dân có lợi nhiều nhất từ mảnh ruộng, mảnh vườn, mảnh ao, xây dựng các vùng nông nghiệp trọng điểm, cánh đồng mẫu lớn, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ… v.v và tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiên của thế giới một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất.
VƯƠN RA THẾ GIỚI
Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân còn mang nhiều lợi ích cho nông dân các nước nghèo ở Châu Phi như: đưa nhiều giống lúa Việt Nam hay nhà khoa học Việt Nam sang giúp đỡ các nước như: Sierra Leone, Liberia, Nigieria, Xu- đăng, Mozambique, Angolia, Cameroon…, kiến thiết nền nông nghiệp cho phù hợp với tình hình và điều kiện của từng quốc gia. Bởi ông đã nhìn thấy tiềm năng sản xuất lương thực thế giới tại các nước Châu Phi. Và hiện ông cũng là thành viện của 3 tổ chức quốc tế như: IFDC, Viện lúa quốc tế IRRI, Viện cây khoai tây quốc tế và ông đang hết lòng vì sứ mệnh cho nền nông nghiệp thế giới.
GS.TS Võ Tòng Xuân trong một lần đến châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa.
Không chỉ là 1 nhà khoa học cháy hết mình cùng đồng ruộng mà GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học An Giang, hiện tại ông là Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ở mỗi ngôi trường ông luôn để lại dấu ấn với nhiều công trình quý báu và luôn hết lòng vì đàn em thân yêu, ông luôn động viên, khuyến khích tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, tạo một môi trường học tập, nghiên cứu, sáng tạo và nghiêm túc để thầy và trò cùng học tập, lao động và cống hiến…
Cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học chân chính, một nhà khoa học lao động không mệt mỏi. Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, luôn trăn trở cho nông nghiệp Việt Nam và thế giới.
Ông là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần học tập suốt đời, tinh thần cống hiến là chinh phục những đỉnh cao của tri thức, là đưa những kiến thức đã học, đã nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại Việt Nam và quốc tế, góp phần đưa hình ảnh của Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.
Theo Nguyễn Thu Trang (khoahocphothong.vn)
- Doanh nghiệp 'săn' sinh viên cao đẳng với mức lương hơn chục triệu đồng/tháng
- Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội
- Kịch tính vòng chung kết đua xe mô hình tự chế
- Sinh viên kỹ thuật tranh tài đua xe dò đường
- Kịch tính màn đua xe năng lượng mặt trời của sinh viên TP.HCM
- 'Nghẹt thở' cuộc đua xe điện mặt trời và bất ngờ phút cuối
Các Tin Khác: