3 điểm mới hội thi giỏi nghề 2015
Thí sinh dự thi nghề điều dưỡng tại hội thi giỏi nghề năm 2014 - Ảnh: Q.L. |
Đây là lần đầu tiên hội thi được Thành đoàn TP.HCM phối hợp với Sở Giáo dục - đào tạo và Sở Lao động - thương binh & xã hội đồng tổ chức. Phó bí thư Thành đoàn Phạm Hồng Sơn, thành viên ban chỉ đạo hội thi, cho biết việc phối hợp này nhằm tăng tính chuyên môn, chất lượng của một hội thi vốn xuất phát từ sân chơi phong trào do Đoàn gầy dựng.
Lần đầu tiên có hai nghề: dược và giáo viên mầm non
Lần đầu tiên ở hội thi này, sinh viên đang theo học tại các đơn vị có đào tạo hệ cao đẳng nghề được dự thi, điều chưa từng có trong sáu lần tổ chức trước đây. “Điều này không làm mất đi tính công bằng hay chênh lệch khả năng giữa học sinh trung cấp với sinh viên cao đẳng nghề bởi các thí sinh dự thi đang học năm thứ hai, khối lượng kiến thức được đào tạo là tương đồng” - anh Phạm Văn Linh, phó ban tổ chức hội thi, phân tích.
Lần đầu tiên hai nghề: dược và giáo viên mầm non được đưa vào hội thi. Dù lần đầu tiên tổ chức song nghề dược lại là một trong hai nghề có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất với 50 bạn (10 đội tuyển của các trường).
Ngoài ra năm nay đơn vị đăng cai tổ chức thi sẽ không bị giới hạn số lượng đội tuyển và thí sinh tham gia thi.
Doanh nghiệp tham gia từ đầu
Ở tất cả hội đồng thi của 17 nghề đều có đại diện doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu trong việc ra đề thi, theo sát cuộc thi và có thành viên đánh giá trong hội đồng giám khảo.
Theo anh Phạm Văn Linh, sự góp mặt của doanh nghiệp sẽ đặt nặng tính chuyên môn và đảm bảo tính khách quan khi đánh giá tay nghề của thí sinh.
Điều này cũng tạo cơ hội quý để thí sinh khi tham gia hội thi được tiếp cận, giới thiệu khả năng của bản thân với doanh nghiệp - nhà tuyển dụng, đồng thời làm quen với môi trường làm việc liên quan đến nghề nghiệp sau này.
“Các trường cũng sẽ có cơ hội kiểm chứng lại nội dung đào tạo của đơn vị xem đã sát với nhu cầu thực tế làm nghề tại các doanh nghiệp hay chưa và có thể điều chỉnh để việc đào tạo gắn với thực tiễn công việc” - anh Linh bày tỏ.
Theo ban tổ chức, hội thi là sân chơi cho những bạn học nghề vốn rất thiếu “đất dụng võ”. Mặt khác, việc kiên trì tổ chức hằng năm chính là cách để xã hội quan tâm hơn đến việc học nghề trong điều kiện dư luận xã hội vốn coi trọng bằng cấp, phụ huynh còn nặng tâm lý cho con học đại học trong khi thực tế lại thiếu những người thợ lành nghề và dư thừa nguồn nhân lực có trình độ đại học.
250 triệu đồng tiền thưởng 17 nghề được tổ chức thi bao gồm: công nghệ ôtô, hàn, tiện, cơ điện tử, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh, điều dưỡng, dược sĩ, phục vụ nhà hàng, phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch, cắt may, thiết kế thời trang, kế toán doanh nghiệp, thiết kế website và giáo viên mầm non. 479 thí sinh của 33 đơn vị có đào tạo bậc cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đã đăng ký tham gia hội thi. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi là 250 triệu đồng. Tính đến lúc này, Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn đăng ký dự thi nhiều nghề nhất với 11/17 nghề. |
Quốc Linh (Tuổi trẻ)