Tổng kết hoạt động các nhóm HEEAP
Cuộc họp có sự tham dự của Ban giám hiệu nhà trường, các cán bộ phòng, khoa, bộ môn và tất cả các thầy cô đã tham gia dự án HEEAP.
Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng là một trong 8 trường năm trong dự án HEEAP, tính đến nay, đã có tổng cộng 45 thầy/cô đã được tập huấn tại ASU, năm nay 9 giảng viên sẽ tham dự tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực. Ngoài ra, dự án VULII – HEEAP cũng đã hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Nhà trường xây dựng mục tiêu chiến lược, và thực hiện 2 mục tiêu mà Nhà trường đã đặt ra. Hiện nay hai chương trình Điện – Điện tử và Cơ khí đang viết báo cáo tự đánh giá (và cũng đang thực hiện tự đánh giá) chương trình đào tạo theo chuẩn ABET. Quá trình xây dựng tiêu chí đánh giá, hai ngành Điện – Điện tử và Cơ khí cũng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các thầy cán bộ, giảng viên khoa khác, và từ lãnh đạo Nhà trường. Dần tiến tới tất cả các ngành đào tạo trong Nhà trường đều được thiết kế theo chuẩn ABET. Theo nhận định từ ban giám hiệu, từ khi tham gia dự án HEEAP, mọi hoạt động trong Nhà trường đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Các giảng viên tham gia dự án HEEAP sau khi học tập tại Hoa Kỳ sẽ dành ra ít nhất 1 năm để hoàn thành dự án thay đổi giáo dục mà HEEAP và nhà trường giao. Lần lượt các nhóm HEEAP từ năm 2011 đến năm 2014 trình bày các hoạt động của nhóm mình. Hoạt động của các nhóm HEEAP mang tính kế thừa, từ đó tạo sự ảnh hưởng tích cực đối với sinh viên rất lớn. Các hoạt động chủ yếu bao gồm: áp dụng phương pháp học tập tích cực cho các môn học mà từng giảng viên phụ trách; chia sẻ những điều đã được học cho các giảng viên trong khoa; thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ Tiếng Anh; tổ chức các trò chơi trong ngày hội việc làm dành cho sinh viên; tổ chức các cuộc thi: FunnyLed, Racing with Intel Galileo, Tìm hiểu kiến thức chuyên ngành điện, Robot sumo, Olimpic tin học…Ngoài ra, các nhóm HEEAP còn chú trọng đến kỹ năng mềm dành cho sinh viên, cụ thể các hoạt động đó là: hướng dẫn sinh viên viết CV, mời chuyên gia tâm lý nói chuyện với sinh viên … Điều đáng chú ý là các nhóm HEEAP không dừng lại các hoạt động của mình mà vẫn tiếp tục hỗ trợ các nhóm tiếp theo nhằm duy trì các hoạt động và phát triển, tạo thêm các sân chơi dành cho sinh viên.
Các nhóm HEEAP 1.0 đều nhận được tài trợ từ dự án, nên mọi hoạt động được thực hiện một cách chủ động. Riêng nhóm HEEAP 2014 không được nhận được tài trợ, nên việc tổ chức các hoạt động có khó khăn hơn. Do vậy, buổi hội thảo dành ra 30 phút để đóng góp ý kiến cho nhóm HEEAP 2015 làm thế nào để xin được tài trợ từ dự án.
Tại buổi hội thảo, rất nhiều các thầy cô là lãnh đạo các khoa, bộ môn đã đưa ra các góp ý về dự án. Trong đó, tựu trung lại là các hoạt động dành cho sinh viên như duy trì tổ chức các cuộc thi học thuật, và các hoạt động thu hút sinh viên nữ. Việc lập dự toán cho các hoạt động cũng được các cán bộ, giảng viên đóng góp ý kiến.
Thầy Đào Khánh Dư, hiệu trưởng nhà trường đề nghị các khoa, bộ môn phải tích cực hơn nữa trong việc thực hiện kế hoạch chiến lược, thường xuyên cập nhật giáo trình. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy đòi hỏi giảng viên phải là người có kiến thức chuyên sâu về môn học, do đó đòi hỏi giảng viên phải đầu tư đúng mức cho các môn học mình phụ trách. Để sinh viên có khả năng đọc tài liệu Tiếng Anh chuyên ngành, thì vai trò của các giảng viên dạy các môn học chuyên ngành là rất quan trọng. Hiệu trưởng nhấn mạnh, các cán bộ Khoa, bộ môn có tư duy thì các giảng viên mới tư duy; giảng viên có tư duy thì khi đó sinh viên mới có khả năng tư duy.