Lịch sử tượng Cao Thắng
LỊCH SỬ TƯỢNG CAO THẮNG
Trong khuôn viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng
(Số 65 Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh)
Hiện nay, tại Phòng truyền thống của Trường có hai bức tượng: một tượng toàn thân và một tượng bán thân của nhân vật lịch sử Cao Thắng (1864-1893). Từ năm 1956 đến nay, tên của ông đã được đặt cho ngôi Trường kỹ thuật có tuổi đời hơn một thế kỷ. Lịch sử của hai bức tượng này như sau:
Tượng Cao Thắng là tác phẩm do họa sĩ Nguyễn Cường tức ông Nguyễn Đình Cường, giáo sư giảng dạy môn mĩ thuật họa của nhà trường lúc bấy giờ sáng tác vào năm 1974, 1975.
Theo lời Thầy Cường: sử sách chỉ có vài nét đơn sơ không đủ mô tả hình dáng rõ ràng của anh hùng Cao Thắng, nên dựa vào trí tưởng tượng của mình và nghiên cứu lịch sử, họa sĩ Nguyễn Cường đã cho người mặc trang phục theo lối xưa đứng làm mẫu.
Tượng được làm bằng những vật liệu: cốt bằng sắt tròn, đan tạo hình, bên ngoài đắp xi măng. Nơi làm việc là một khoảng đất trống của Đình Phú Nhuận (Sài gòn) phía trước nhà Thầy Cường.
Sau khoảng ba tháng làm việc, một tượng bán thân và một tượng toàn thân của vị anh hùng Cao Thắng đã hoàn thành.
Tượng toàn thân (với kích thước tương đương người thật): đầu đội khăn xếp, mặc áo choàng ngắn, thắt đai lưng vải, ống quần quấn xà cạp, chân đi dép bện có quai hậu, tay ôm một khẩu súng trường phía trước ngực, nòng súng hướng lên trời, tay kia đặt trên đốc kiếm ngang thắt lưng. Tượng được sơn giả đồng với những vết han rỉ màu xanh, tuy chỉ có tính cách ước lệ nhưng trông thật sống động, uy nghiêm.
Tháng 01 năm 1975, tượng được chuyển về trường. Bức bán thân được đặt trong thư viện cạnh tượng vị hiệu trưởng đầu tiên của trường, ông EMMANUEL ROSEL. Pho tượng toàn thân được đặt tại sân cờ, vị trí chính trong các sinh hoạt chung của Trường.
Năm 2000, bức tượng toàn thân được sơn lại màu đồng đen và cả hai tượng được đặt tại phòng Truyền Thống nhà trường.
Tháng 9 năm 2022
(Ghi lại theo lời kể của ông Đỗ Trung Điền, cựu viên chức của Trường)